Tăng tốc điện thoại Android của bạn với 8 mẹo này
Smartphone chạy Android ở thời điểm hiện tại đã có rất nhiều tiến bộ so với những năm về trước, chúng đã nhanh hơn và mạnh hơn rất nhiều. Có được điều đó là do sức mạnh phần cứng ngày càng mạnh mẽ và phần mềm cũng được tối ưu hơn rất nhiều. Nhưng tuy nhiên, có một nhược điểm mà đến hiện tại nó vẫn xuất các smartphone chạy Android đó chính là chúng không giữ được hiệu suất ổn định sau một thời gian dài sử dụng.
Sau khi bạn sử dụng các ứng dụng một thời gian, bạn sẽ cảm thấy thiết bị của bạn chậm dần đi. Việc này không chỉ xảy ra đối với những chiếc smartphone chạy Android thông thường, mà còn cả đối với những chiếc flagship chạy Android điều này cũng sẽ xảy ra. Khi chiếc smartphone chạy Android của bạn trở nên chậm chạp đi, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây để giúp chiếc điện thoại của bạn trở nên nhanh và mượt hơn .
1/ Giải phóng không gian lưu trữ
Với bất kỳ điện thoại Android nào, bạn cũng phải đảm bảo rằng chúng không bao giờ “đầy” bộ nhớ. Việc hết dung lượng lưu trữ có thể tác động tiêu cực đến hiệu suất và làm chậm thiết bị của bạn một cách đáng kể. Điều này sẽ khiến các tác vụ cơ bản như mở hoặc cài đặt ứng dụng, phát video, … mất nhiều thời gian hơn bình thường và thường xuyên bị chậm thậm chí là không thể mở lên.
Một thiết bị Android bình thường cần khoảng từ 5-8GB dung lượng trống để có thể hoạt động bình thường và ổn định. Vì vậy, các bạn cần kiểm soát dung lượng trống để chiếc điện thoại của bạn có thể hoạt động bình thường nhất có thể. Thông thường, các hệ điều hành dựa trên Android hiện tại như MIUI, OneUI, ColorOS,… đều có những phần mềm để bạn có thể dọn dẹp các file rác hoặc hỗ trợ bạn xóa các file, hình ảnh không cần thiết. Hoặc để có nhiều không gian lưu trữ hơn, tốt nhất bạn nên sao lưu ảnh vào video lên đám mây, bạn sẽ có thêm được kha khá bộ nhớ trống.
2/ Gỡ cài đặt các ứng dụng không sử dụng
Nhiều người dùng có thói quen tải về một số ứng dụng nhưng chỉ dùng từ 1-2 lần rồi sau đó lại để đấy. Thói quen như vậy không chỉ tiêu tốn không gian lưu trữ của thiết bị mà còn khiến thiết bị chậm lại. Nhất là đối với những ứng dụng chạy nền nhiều, thiết bị của bạn sẽ phải dành nhiều tài nguyên hơn cho những ứng dụng không cần thiết đó. Vậy nên, đôi với những ứng dụng không sử dụng thường xuyên hoặc gần như bạn không hề sử dụng chúng, tốt nhất bạn hãy gỡ ngay chúng đi.
Các thiết bị thông minh của chúng ta ở thời điểm hiện tại đều có khả năng hiển thị ngày mà chúng ta sử dụng ứng dụng gần nhất. Các bạn có thể căn cứ theo tần suất sử dụng ứng dụng mà quyết định gỡ bỏ chúng đi.
3/ Thay đổi tốc độ ảnh động
Phương thức này sẽ giúp bạn cảm thấy thiết bị Android của bạn hoạt động nhanh hơn rất nhiều. Tốc độ ảnh động tăng sẽ cho phép chuyển cảnh giữa các ứng dụng trở nên nhanh hơn, đem lại một cảm giác hoàn toàn khác khi bạn thao tác trên chiếc điện thoại của bạn.
Mặc định, tốc độ hiển thị ảnh động sẽ là 1x, nếu muốn thay đổi, người dùng chỉ cần truy cập vào tùy chọn dành cho nhà phát triển, tìm đến ba mục Windows animation scale (tỉ lệ hình động của cửa sổ), Transition animation scale (tỉ lệ hình động chuyển tiếp) và Animator duration scale (tỉ lệ thời lượng), sau đó điều chỉnh về mức .5x (nhanh), 2x, 5x, 10x (chậm) hoặc tắt hoàn toàn hiệu ứng (Animation off).
4/ Khởi động lại điện thoại thường xuyên hơn
Trước đây, khi việc quản lý bộ nhớ của Android còn kém và các điện thoại khi ra mắt có dung lượng RAM hạn chế, các chuyên gia luôn khuyến khích bạn khởi động lại điện thoại mỗi ngày để đảm bảo nó hoạt động tối ưu. Mặc dù điều này không còn có nhiều ý nghĩa ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn nên khởi động lại điện thoại của mình ít nhất vài ngày một lần. Khi bạn khởi động lại điện thoại, thiết bị của bạn sẽ có thể giải phóng tài nguyên bị chiếm dụng bởi các ứng dụng nền, cải độ mượt của hệ thống tổng thể mang lại hiệu suất tối ưu hơn .
5/ Sử dụng các ứng dụng phiên bản Lite
Google cũng như một số nhà phát triển ứng dụng đã ra mắt các ứng dụng phiên bản Lite hoặc Go cho các thiết bị Android cũ có ít dung lượng RAM. Phiên bản Lite của các ứng dụng không tiêu tốn nhiều tài nguyên như các phiên bản thường nhưng chúng vẫn đảm bảo được tất cả các tính năng cơ bản. Các ứng dụng phiên bản Lite phổ biến có thể kể đến như Google Go, Camera Go, Assistant Go, Maps Go, Twitter Lite, Facebook Lite…. Việc sử dụng các ứng dụng như vậy sẽ giúp thiết bị Android của bạn tiết kiệm được nhiều tài nguyên, sử dụng mượt mà hơn, nhất là đối với các thiết bị Android cũ.
6/ Cập nhật phần mềm mới nhất
Cập nhật phần mềm và hệ điều hành của bạn không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn giúp điện thoại của bạn an toàn hơn. Gần đây, các nhà sản xuất điện thoại Android bắt đầu có xu hướng phát hành các bản cập nhật phần mềm thường xuyên hơn để vá các lỗ hổng dựa trên phản hồi của người dùng. Do đó, hãy thường xuyên để ý các phiên bản phần mềm mới để cập nhật cho thiết bị của bạn.
7/ Khôi phục cài đặt gốc
Đây là một trong những biện pháp cực kỳ tối ưu giúp cải thiện thiết bị Android của bạn, tuy nhiên biện pháp này sẽ mất khá nhiều thời gian của bạn. Khi khôi phục cài đặt gốc, thiết bị của bạn sẽ trở lại trạng thái như lúc bạn mới mở hộp nó. Sẽ không còn bất cứ ứng dụng nào, bạn sẽ phải tải lại từng ứng dụng mà bạn muốn. Đổi lại, bạn sẽ thấy thiết bị của bạn sẽ nhanh hơn rất nhiều.
8/ Cân nhắc cài đặt ROM tùy chỉnh
Nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại Android cũ hoặc đã hết hỗ trợ từ nhà sản xuất, bạn có thể thử cài đặt các phiên bản ROM tùy chỉnh trên các trang hỗ trợ cộng đồng. ROM tùy chỉnh thường được tối ưu hóa cho hiệu suất và không có những ứng dụng mặc định đến từ nhà sản xuất, do đó chúng sẽ giải phóng kha khá dung lượng lưu trữ trên điện thoại. Gợi ý nhỏ cho bạn: LineageOS và Paranoid Android là một trong những ROM tùy chỉnh phổ biến nhất hiện có. Bạn có thể tìm thấy hai loại ROM này trên diễn đàn XDA (XDA developers), đây là nơi tốt nhất để bạn bắt đầu tìm hiểu về việc cài đặt ROM tùy chỉnh.
Chia sẻ: Long Vũ