Để dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam, Xiaomi sẽ mở một nhà máy sản xuất điện thoại tại thành phố Hải Phòng.
Tại cuộc Cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư thường niên mới nhất, trao đổi với Công ty Chứng khoán BVSC, lãnh đạo Digiworld – đối tác phân phối sản phẩm Xiaomi tại Việt Nam tiết lộ, hãng công nghệ Trung Quốc này đang phối hợp cùng với một đơn vị ở Việt Nam để xây dựng nhà máy lắp ráp tại Hải Phòng. Dự kiến hoàn thành trong tháng 6 năm nay.
Riêng tại thị trường Việt Nam, mặc dù không có chi nhánh phân phối chính hãng, song thông qua hợp đồng độc quyền với CTCP Thế giới số (Digiworld, mã: DGW), điện thoại Xiaomi đã chiếm tới 12% thị phần smartphone trong nước, đứng thứ 3 sau những cái tên như Samsung và Oppo, theo thống kê của Canalys.
Như vậy, đây là lần đầu tiên một thương hiệu điện thoại Trung Quốc mở nhà máy trực tiếp sản xuất điện thoại tại Việt Nam. Trước Xiaomi, nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới là Samsung cũng đã chuyển phần lớn các hoạt động của mình về Việt Nam.
Lý giải về việc Xiaomi xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam, Chứng khoán BVSC cho biết động thái này nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về chi phí thuê đất, đồng thời cũng thể hiện tham vọng mạnh mẽ của Xiaomi đối với thị trường CNTT tại Việt Nam.
Việc Xiaomi mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển cho DGW vì thông thường các lô hàng của Xiaomi sẽ mất khoảng 6 tuần cho công đoạn này. Quan trọng hơn cả, việc mở nhà máy tại Hải Phòng sẽ giải quyết phần nào các rào cản thuế nhập khẩu, vốn là nguyên nhân chính ngăn cản các sản phẩm thiết bị tiêu dùng khác của Xiaomi mở bán tại Việt Nam.
Theo BVSC, với quy mô lớn của thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam, xấp xỉ khoảng 2,4 tỷ USD, việc có thêm dải sản phẩm của Xiaomi sẽ thúc đẩy nhóm ngành hàng này tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Hãng cũng có một website bán hàng trực tuyến và một vài cửa hàng tại Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn đang tiếp cận với các sản phẩm của Xiaomi theo con đường xách tay, bởi giá thành rẻ hơn và “trên tay” nhanh hơn so với hàng phân phối chính hãng. Điều này vô tình đã khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi khi không được hưởng các chính sách hậu mãi của hãng cũng như chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Mặt khác, hàng xách tay cũng gây ra nạn “chảy máu doanh thu” đối với các đối tác phân phối của Xiaomi tại Việt Nam.
Do đó, việc Xiaomi trực tiếp mở nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và giúp người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm chính hãng dễ dàng hơn.